I. Sơ lược về in lụa và in offset
So từ thời xưa thì ngày nay ngành in ấn có bước phát triển rất mạnh, thay vì in ấn trên những vật liệu đơn giản (gỗ, tranh thêu, vải) thì người ta có dịch vụ in ấn lên ly nhựa, ly thủy tinh, giấy, chai lọ... hoặc các mặt hàng phức tạp hơn như: đồ dùng điện tử, đồ gia dụng, chai lọ mĩ phẩm,…. Sử dụng kỹ thuật in lụa và in offset.
Kỹ thuật in offset là kỹ thuật in hiện đại được sử dụng phổ biến hiện nay. Với công nghệ in ấn cho ra chất lượng hình ảnh rõ nét, sống động về màu sắc. Công nghệ in ấn này được ưa chuộng nhiều trong việc in ấn sách, báo, tờ rơi, tài liệu quảng cáo, ly nhựa,... cần in những hình ảnh chân thật, in nhiều màu sắc có độ sắc nét và in với số lượng lớn.
So với in offset thì in lụa (hay còn gọi là in lưới) cũng là một trong những kỹ thuật in ấn khá phổ biến. Tuy nhiên nó được sử dụng công nghệ in hoàn toàn khác và in trên nhiều chất liệu phong phú, đa dạng hơn in offset, thường thấy tại các cơ sở in thiệp cưới, in túi nilon, in ly nhựa, in ly thủy tinh,… Đây là loại kỹ thuật in được áp dụng in nhiều và in được trên rất nhiều vật liệu khác nhau với nhiều hình dạng, kích cỡ như: In chai lọ, in bình giữ nhiệt, in quạt bàn, in thùng, bao bì, kim loại,... và in nhiều loại sản phẩm khác.
II. Vậy in lụa là gì? In offset là gì? Ưu và nhược điểm của từng loại.
1. In lụa
In lụa là phương pháp in ấn có nguyên lý đơn giản dựa vào sự thẩm thấu của mực in đi qua khung lưới hình chữ nhật làm bằng gỗ (hoặc hợp kim nhôm) được phủ lên tấm lưới là một lớp keo mỏng chuyên dùng. Khi in người ta cho mực vào lòng khung, dưới áp lực của lưỡi gạt cao su mực sẽ xuyên qua các ô lưới và in lên bề mặt vật liệu cần in.
- Ưu điểm của in lụa:
- In được trên nhiều loại vật liệu khác nhau, chủ động về màu sắc.
- Dễ dàng thử nhiều loại màu.
- Chi phí thấp, in số lượng ít.
- Nhanh chóng.
- Nhược điểm của in lụa:
- Tốn thời gian làm khuôn chụp bản in.
- Giới hạn về phạm vi màu sắc.
2. In offset
In offset là kỹ thuật in ấn trong đó các hình ảnh dính mực in sẽ được ép lên các tấm offset làm bằng cao su trước, sau đó mới ép từ tấm cao su này lên giấy. Quá trình này nhằm tạo ra sự truyền mực tối ưu là truyền từ bề mặt cứng – mềm – cứng.
- Ưu điểm của in offset:
- Chất lượng hình ảnh đẹp, sắc nét bền màu, không bị nhòe.
- Có thể in được số lượng lớn.
- Giúp cho việc chế tạo bản in dễ dàng.
- Khả năng ứng dụng in ấn trên nhiều bề mặt, kể cả bề mặt không phẳng.
- Nhược điểm của in offset:
- Kỹ thuật phức tạp, trải qua nhiều công đoạn.
- Màu sắc có thể bị lệch màu do trải qua nhiều công đoạn.
- Không sử dụng cho in ấn số lượng nhỏ.
III. Nên chọn kỹ thuật in lụa hay in offset?
Mỗi kiểu in đều có ưu và nhược điểm riêng, nên tùy theo sản phẩm cần in mà lựa chọn hình thức in phù hợp.
Nếu cửa hàng bạn chỉ in một màu, số lượng in ít, không quá nhiều họa tiết và cần in gấp thì bạn nên chọn in lụa. In lụa có một ưu điểm là in nhanh chóng, linh động, có thể in thử nhiều bản nháp để so sánh dễ dàng còn in offset thì phải mất thời gian tạo khuôn in và phải kiểm tra mẫu in thật chắc chắn rồi mới tiến hành chạy máy in đồng loạt. Ngược lại nếu bạn cần in những sản phẩm đa dạng màu sắc và yêu cầu kỹ thuật cao, độ sắc nét tuyệt đối thì chọn in offset.